(PLO) – Lớp nhân được hoà trong bột, bánh xèo không pha màu vàng, giữ nguyên màu trắng đục của hạt gạo quê, bánh được đổ mềm, mỏng, thanh tao, ăn kèm với lá lốt non và chấm thứ nước mắm rin có kèm ớt xắt.
Tiên Phước là một huyện trung du của Quảng Nam. Leo lên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chỉ đi đến đoạn Tam Kỳ, rẽ xuống xuôi về hướng Tây khoảng mười mấy km là đến huyện Tiên Phước.
Câu cửa miệng nhà có 5 nàng tiên đã là diễm phúc thì Tiên Phước có tới 15 nàng tiên xã, mỗi nàng xã một vẻ đẹp dịu kỳ khác nhau. Đất đồi núi miền trung du nhỏ hẹp, ven đường hiếm hoi những thửa ruộng bậc thang, nhà ở chen bên núi đồi, đường vào nhà dốc đá hàng rào được xếp một cách ước lệ là những viên đá cho ta tưởng đang đi đến miền Hà Giang phía Bắc.
Thật vậy, những bức ảnh chụp từ iphone cho tôi biết mình đến nhà lưu niệm Nhà Chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, những cây dâu da đất trái chi chít từ gốc đến ngọn thuộc xã Tiên Mỹ, rồi những ngôi nhà gần hai trăm năm tuổi đã được người của dòng họ giữ gìn cho đến hôm nay để chúng ta được chiêm ngưỡng ở Tiên Kỳ…
Quanh co, cũ kỹ mà chăm chuốt trên từng lối rêu phong. Người Tiên Phước đã biết giữ gìn những ngôi nhà và cảnh quan như từ xưa cũ. Hơn sáu mươi ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn với nhà gỗ mít nền đất nện. Phụ nữ Tiên Phước nghe đã có tiếng từ xưa đẹp dáng đẹp người sở hữu làn da trắng bóc mặc khí hậu miền trung du khắc nghiệt. Có thể với địa thế và độ cao đã tạo cho Tiên Phước có dòng sông Tiên nước chảy ngược gìn giữ giọt nước trong của làng nên con gái trắng da dài tóc chăng; điều đặc biệt là đi khắp làng nhà nào cũng có giếng, những cái giếng làm nên vẻ thanh bình cho làng quê Tiên Phước.
Nói không ngoa khi khen con gái Tiên Phước vén khéo. Món ăn đã thưởng thức ở đây thì sẽ không thể quên, sẽ phải nhớ trên những chặng đường khác để mà so sánh; bởi những biến tấu mà khó nơi nào giống trong cùng mảnh đất Quảng Nam.
Món đặc biệt nhất là món bánh xèo. Bánh xèo với nhân nhộng ong. Những tổ ong sau khi thu hoạch mật, những con nhộng con sẽ được làm nhân đúc bánh xèo. Hoặc không phải mùa thì chỉ bằng thịt nạc băm cũng làm nên cái bánh xèo.
Cách đúc bánh xèo ở đây cũng khác. Lớp nhân được hoà trong bột, bánh không pha màu vàng, giữ nguyên màu trắng đục của hạt gạo quê, bánh được đổ mềm, mỏng, thanh tao, ăn kèm với lá lốt non và chấm thứ nước mắm rin có kèm ớt xắt.
Đã ăn bánh xèo miền Tây, bánh xèo miền Trung, chớ ăn bánh xèo Tiên Phước là một hương vị khác. Bánh xèo ở Tiên Phước không phải là món ăn chính và ăn no như ta hay rủ nhau đi ăn bánh xèo thì chỉ mỗi món bánh xèo đã đủ bữa.
Trong mâm ăn người Tiên Phước, đĩa bánh xèo khiêm tốn, nhỏ, mỏng tang từng lớp, mềm mịn được xếp chồng lên nhau, xoay quanh cũng xếp chồng lá lốt non xanh kèm chén nước mắm rin ớt hiểm không pha tỏi, kiểu bánh xèo chỉ là món ăn chơi trong nhiều món của bữa ăn.
Thật vậy, đến một bữa ăn được thết đãi mới thấy các món cách tân của người Tiên Phước. Dĩa cơm ghế mít phơi khô, tô cháo ốc đá béo ngậy ngọt bùi và cái cách xắt mít trộn làm gỏi mịn màng như sợi chỉ cũng nói lên cái tính cầu kỳ chăm chút của người nấu ăn bên những vật phẩm đơn giản có sẵn của xứ sỏi đá.
Còn một món nữa là dưa đu đủ muối nguyên từng thỏi loại đu đủ hườm hườm. Dưa đu đủ xắt mỏng vắt kỹ bóp ớt tỏi, gắp miếng dưa nghe giòn tan trong miệng với vị chua thanh, cay cay, mặn mặn như không cần kèm món ăn gì đã đủ.
Và tôi kết thúc câu chuyện ăn uống ở Tiên Phước bằng món ngọc Nam Trân đã ghi vào sử sách bằng câu chuyện ăn lòn bon của người Tiên Phước. Lòn bon là giống trái lạ kỳ, một cây chớ chỗ chùm này ngọt lụi, góc kia chua. Người trồng cây chứ không dám chắc cây của mình cho trái ngọt, bởi năm nay ngọt sang năm chua cũng là thường tình. Hay có khi chùm lòn bon sáng nay chua loét vậy mà chiều lại ngọt thanh tao.
Nên mới có chuyện “ăn trái lòn bon ăn hoài mệt nghỉ..” là vậy. Người ăn lòn bon đụng quả chua nuốt vội vị chua rồi tìm nhanh một quả với hy vọng ngọt, và ngọt thật, ngọt đến lịm để phải tấm tắc lòn bon ngọt quá ăn thêm trái nữa,..và với cái cảm xúc trôi như vậy ăn lòn bon phải mang số ký trở lên chứ không ai ăn vài quả!