1. Trang chủ
  2. Blog
  3. Những mùa – vàng – thơ…

Những mùa – vàng – thơ…

BlogTiên Phước Confession
321

(QNO) – Hẳn là xứ Tiên đã có một sự “linh diệu” đối với thơ ca và tình yêu – theo nghĩa rộng của từ này. Niềm tin ấy càng được củng cố thêm khi đọc tập thơ “Những mùa vàng xứ Tiên” (nhiều tác giả, UBND huyện Tiên Phước tổ chức thực hiện, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 6.2021).

1. Với 156 tác phẩm của 95 tác giả, “Những mùa vàng xứ Tiên” trước hết là một tập – thơ – lòng của muôn nẻo tâm hồn hướng về, dành cho, đồng cảm, sẻ chia cùng Tiên Phước. Tập thơ vì thế mà đa thanh, có nhiều cung bậc và những chung – riêng đan xen.

Cái chung thì chan chứa: “Cây quế già đứng trầm tư cay xé/ bên triền thu chín ruộm trái lòn bon/ Cây mít đồi cao treo đầy chiếc giỏ/ đợi cá chuồn lên kết nghĩa mít non”  (Về nghe câu hát khai cơ – Võ Khoa Châu).

Cái riêng thì tỏa lan: “Đất quê mình qua mưa đạn, bão bom, giờ đã hồi sinh/ Đã quá xa rồi cái thời khốn khó/ Dưới những khu vườn mướt xanh, bao lứa đôi hẹn hò những đêm trăng tỏ/ Có lời hẹn thề nào của chị tuổi xuân xưa?!”. (Chị ơi – Phạm Văn Đốc).

Đa thanh mà không rối: “Lấp lánh giọng côn trùng trầm tích đồi quê/ Lộc Yên hát điều linh thiêng của đất/ Những ngôi nhà ẩn chứa ký ức/ Tôi làm con thuyền mơ trăng” (Giấc mơ quê – Nguyễn Hải Triều)

Đâu đó, có thể là một nhớ nhung, một mơ tưởng, một rung động… tưởng bình thường, thoáng qua mà đắm đuối suốt cuộc đời: “Có con sông mười tám/ Có ngã ba đương thì/ Có một trưa Tiên Phước/ Trong đời nhau khắc ghi…”. (Trưa Tiên Phước – Văn Công Hùng).

Có thể là một bức ký họa được người cầm “cọ” vừa đi vừa “vẽ”, chỉ dăm ba nét đã làm nên bức tranh về một Tiên Phước quen thuộc, thân thương, ấm áp, nghĩa tình và đẹp: “Một đời với những long đong/ Vị  tiêu cay với lòn bon ngọt ngào/ Đất lành xanh nét thanh tao/ Làm nên hồn cốt cần lao nặng tình…/ Về đây bên những yên bình/ Sắc rêu níu gọi ân tình quê hương” (Sắc rêu – Thái Bảo – Dương Đỳnh).

Và, đó cũng có thể là nỗi lòng của một người con xa xứ. Mỗi cảnh vật, ngọn cỏ, gốc cây đều là máu thịt, thân thương, gần gũi, hiển lộ ngay cả trong mỗi mường tượng, hình dung và thao thiết trong từng nỗi nhớ, thôi thúc từng bước chân trên suốt nẻo về:

“Tôi về Tiên Phước quê cha/ Trắng thơm hoa bưởi vườn nhà tinh khôi/ Bòn bon chín rộ cả trời/ Hoa sưa đầu ngõ rụng rơi sớm chiều” (Về thôi – Wall Bùi).

Hay, chỉ một nhánh rêu mảnh mai xanh thầm thì nỗi riêng mình nơi ngõ đá thôi cũng nên thương, nên nhớ. Một con sông gầy mà duyên dáng, nên thơ, mải miết trôi ngược dòng mình giữa mênh mông trời đất… cũng nên mộng tương tư:

“Dùng dằng chi rứa người ơi/ Bắt sông chảy ngược lên đồi tương tư/ Ngõ quê đá cũ bao chừ/ Mà rêu cả ánh mắt người sông Tiên” (Mắt rêu – Huỳnh Trương Phát).

Và, thật nhiều, thật nhiều những câu thơ mộc mạc; ngôn từ hiền minh bằng chính cách tả và kể chân thành, quê kiểng, “y như thật” của quê, của cảnh, của người. Nó rõ mồn một, như thể vẻ đẹp thanh tân, quê kiểng, mềm mại, son sắt… của đất và người Tiên Phước được bê nguyên vào thơ vậy:

Ngõ đá/ Giếng đá/ Thềm đá / Mềm mại nét tranh thủy mặc/ Chắc nịch tấm lòng Tiên Phước” (Lối về Tiên Phước – Huỳnh Văn Quốc).

Nó chân thành và thủy chung như lòng người Tiên Phước vậy: “Được mùa vàng thương hoài bông lúa lép/ Hạt thóc biết vỏ trấu đau/ cho hạt gạo/ trắng ngần” (Phố bên sông – Mỹ An).

Nó thật ngay cả trong nỗi nhớ. Thật đến rõ mồn một từng hình sắc thanh âm, thật đến rộn rã, xôn xao, tưởng chừng như có thể sờ nắn, có thể hòa mình vào đấy, có thể cảm nhận được bằng tất cả các giác quan:

“Mình về nhớ nắng đồng vây/ Con cá rô thóc qua ngày đói cơm/ (…)/ Mình về thăm móc, thăm mua/ Leo đồi Ông Hiệu mùa chưa chim về/ Nhớ ngày vây hội Sơn Khê/ Đường lên Dương Đế, Cò Vầy hư không” (Mai về tạ tội với dòng sông – Lê Nhật Ánh).

2. “Ở Quảng Nam, ai muốn yêu hay muốn làm thơ thì hãy về… Tiên Phước!”. Lời truyền tụng về sự linh diệu của vùng đất này chẳng rõ xác thực đến đâu. Chỉ biết, đã có rất nhiều người, chỉ sau một lần “lạc bước xứ Tiên” là có thơ để khoe cùng bè bạn, và thường là… thơ tình. Trường hợp của nhà thơ Hồ Nghĩa Phương ở Quảng Ngãi với mấy câu thơ được trích dẫn dưới đây là một ví dụ:

Có gì không mà sông tình vấn vương/ Người lữ khách muốn vượt qua ngõ cũ/ Ánh mắt đôi môi nụ cười duyên ấy/ Khi trở về… anh mãi nhớ sông Tiên” (Gửi nhớ sông Tiên – Hồ Nghĩa Phương).

Sông Tiên trong bài thơ này hẳn nhiên là… sông Tiên (của Tiên Phước) mà lại không chỉ là… sông Tiên. Sông Tiên ở đây còn là xứ Tiên chập chùng đồi dốc, là tinh khôi hoa trảu những triền đồi, là sắc vàng đượm nồng nàn của những bờ hoa sưa uốn lượn, là những bờ đá ngõ quê hiền lành bình dị, là ngát thơm hương quế, hương tiêu… Tất cả, gom góp sắc hương làm nên một trung du riêng biệt:

Đi tìm hương quế ngày xưa/ Lạc vườn dâu đất trái vừa chín cây/ Nồng tiêu thoang thoảng đâu đây/ Quyện mùa mít chín đong đầy yêu thương” (Trung du – Tịnh Hồ).

Sông Tiên – xứ Tiên khảm chạm vào tâm hồn, lưu dấu vào ký ức những người con quê xứ và cả những tâm hồn lãng du của khách muôn phương. Luyến lưu, và đầy tự hào, như trong một câu ca dao nhiều người thuộc: “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai mà đến đó lòng không muốn về”!

“Về Tiên Phước đất quê hiền như đếm/ Em lạ xa mà ngỡ rất thân thương/ Như nụ cười tạt vào hồn của đá/ Trung du người, lòng chợt hóa quê hương” (Về Tiên Phước – Nguyễn Như Tươi).

Sông Tiên như một “hiện thân” của Tiên Phước. Cũng như Tiên Phước đã là một “hiện thân” của thơ, hòa vào mênh mông nước non xứ Quảng, trở thành địa chỉ của hẹn thề, như trong cảm nhận của một nhà thơ xa xứ:

“Tiên Phước của người mà cũng của ta/ của Điện Bàn, Tam Kỳ, Quế Sơn, Đại Lộc…/ bước lưu lạc bao năm ta vẫn gốc/ chàng trai già thuần chất Quảng Nam chay” (Sẽ về thăm Tiên Phước – Nguyễn Hàn Chung).

3. Trong số 95 tác giả góp mặt trong tập thơ “Những mùa vàng xứ Tiên“, có người là nhà thơ chuyên nghiệp; có người là giáo viên, công chức văn phòng; có người là công nhân, nông dân; có người là cán bộ lãnh đạo, chính khách…

Bên cạnh những người chính gốc xứ Tiên, có không ít người là “lữ khách” – chỉ một lần ghé qua, hay thậm chí, chỉ mới “nhìn” thấy xứ Tiên trên những bài báo, qua những bài thơ, trang văn đây đó. Nhưng có hề gì! Tất cả đều đến với xứ Tiên bằng tấm lòng thơ trong trẻo, những rung động tươi nguyên:

Tôi về với một sông Tiên/ Còn nguyên con nước chảy huyền thoại xưa/ Còn nguyên giậu đá cầu mưa/ Đã rêu như thể là chưa bao giờ” (Xin em, nửa trái của rừng – Nguyễn Tấn Sĩ).

Hay như Tiên Phước hiện lên không chỉ là một vùng đất đẹp mà còn là cả một bài thơ đẹp: “Có một ngày gió ướp men say/ Anh đến  bãi Lò Thung như lạc miền cổ tích/ Trời xếp đá miên man từ ngàn năm trước/ Đợi người về trao lại một dòng sông” (Bài thơ Tiên Phước – Nguyễn Nho Khiêm).

Trên tất cả, Tiên Phước hiện ra không chỉ là một địa danh gợi đến sự huyền nhiệm, an lành mà còn là một khát khao, mong ước tìm về: “Bữa về như giấc chiêm bao/ lối rêu thềm đá hanh hao nhớ người/ chuyện như cổ tích không lời/ mà tôi – bóng hắt bên trời đơn côi” (Có yêu nhau thì về Lộc Yên – Nguyễn Tiên Phước).

Hay: “Muốn gói cả sông Tiên vào đôi bờ ký ức/ đánh cắp cảm xúc nhớ quê đau đáu tìm về” (Đôi bờ ký ức – Lê Thị Điểm).

Tiên Phước là xứ sở để yêu, để thương, để nhớ, để tìm về. Thành ra, không có gì lạ khi trong tập thơ “Những mùa vàng xứ Tiên” xuất hiện dày đặc những kiểu tâm sự, những kiểu tình cảm ấy. Chúng chảy tràn trong từng câu thơ. Chứa chan. Ăm ắp… Các địa danh của Tiên Phước cũng xuất hiện dày đặc. Nhưng đó dường như không phải là sự thống kê cơ học mà là sự kết nối theo xui khiến của con tim. Mỗi địa danh ở đây là một dấu nhớ, một lối về…

Vậy nên, đừng đòi hỏi quá nhiều, đừng đặt ra những yêu cầu quá cao về thi pháp, về nghệ thuật dụng tứ đặt câu; về những tầng nghĩa ẩn tàng cao siêu, xa vời. Hãy đọc bằng tấm lòng, bằng sự sẻ chia, bằng tất cả những yêu thương, để thêm yêu, thêm quý hơn đất và người Tiên Phước hồn hậu, tươi đẹp, nên thơ được chắt chiu tạo dựng từ xa thẳm cội nguồn cho đến hôm nay.

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, cùng với xuất bản tập thơ “Những mùa vàng xứ Tiên”, nhân dịp kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 – 2021); 105 năm Danh xưng Tiên Phước (1916 – 2021), 75 năm thành lập Đảng bộ huyện Tiên Phước (1946 – 2021), UBND huyện Tiên Phước xuất bản tuyển tập ca khúc “Xanh ngát vườn quê”.

Tuyển tập tập hợp 54 tác phẩm của 34 tác giả sáng tác về miền quê Tiên Phước, được chia thành 1 phần. “Miền quê thần tiên” (phần 1) gồm 35 ca khúc của những nhạc sĩ chuyên nghiệp; “Lời trung du gọi” (phần 2) gồm những ca khúc của các tác giả không chuyên.

Theo lời giới thiệu, tất cả là tình cảm và tấm lòng của các tác giả dành cho vùng đất, con người, văn hóa, truyền thống, thiên nhiên, những thành quả trong xây dựng và phát triển của quê hương Tiên Phước.

 

Nguồn: BẢO ANH - Báo Quảng Nam

Cổng thông tin Cộng đồng Người Tiên Phước - Quảng Nam - Việt Nam.

Từ khóa: ,

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bạn quan tâm ?

Menu