(QNO) – Mong muốn đưa bộ môn hội họa đến với cộng đồng, đặc biệt là các bạn nhỏ ở vùng quê, họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1987, thôn 5, xã Tiên Sơn, Tiên Phước) vừa tổ chức hoạt động nghệ thuật “Vẽ tranh lên mái nhà”.
Nhìn những em nhỏ vùng quê Tiên Sơn vui vẻ, hào hứng bên nét vẽ của mình trên nền bức tranh khổng lồ 100m2 mới thấy hết sự đam mê và tình yêu với bộ môn hội họa của trẻ thơ. Không bị gò bó bởi bất cứ quy tắc hay bố cục nào, các em thỏa sức sáng tạo và chơi đùa với những cây cọ, hộp màu trong hoạt động “Vẽ tranh lên mái nhà” do chị Thương tổ chức vừa qua (diễn ra trong 2 ngày). Mỗi em một ý tưởng, một cách thể hiện khác nhau tạo thành bức tranh sinh động, lung linh màu sắc.
Hoạt động mỹ thuật “Vẽ tranh lên mái nhà” không chỉ mang đến niềm vui cho các em mà còn là niềm mong của chị Thương về sự khơi dậy tình yêu, tìm kiếm và phát triển năng khiếu của mọi người đối với bộ môn mà chị đang theo đuổi. Để chuẩn bị cho hoạt động này, chị Thương lặn lội vượt hàng trăm cây số từ TP.Hồ Chí Minh về với quê nhà. Hành trang chị mang theo là số lượng lớn nguyên vật liệu và niềm tin, hy vọng về một dự án lan tỏa tinh thần nghệ thuật mà mình ấp ủ từ lâu.
Đầu chuỗi hoạt động, chị Thương dành thời gian trò chuyện, làm quen để tạo không khí gần gũi, gắn kết giúp các em cảm nhận được những vẻ đẹp bình dị nơi vùng đất mình đang sinh sống. Hướng dẫn để các em hiểu và phân biệt được màu sắc, các dụng cụ và cách sử dụng những nguyên liệu sẵn có để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật.
Dưới sự hỗ trợ của chị Thương, các em hăng say thể hiện mình và không khỏi ngạc nhiên, hào hứng khi những nét vẽ đầu tiên hiện trên nền một tấm bạt rộng. Sự nhút nhát, sợ sệt ban đầu không còn, các em nhanh chóng bắt nhịp với nhau, hoạt bát, nhanh nhẹn bày tỏ sở thích, ước mơ rồi chăm chú trong từng nét vẽ bay bổng, hồn nhiên.
Em Nguyễn Thị Tường Na (11 tuổi, thôn 5, xã Tiên Sơn) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia vẽ bức tranh rộng lớn như thế này. Em rất vui vì vừa được vẽ theo sở thích vừa được trò chuyện, chơi đùa cùng các bạn cùng trang lứa. Em cảm ơn và hy vọng chị Thương sẽ tổ chức nhiều hơn những buổi hoạt động như thế này để chúng em được vui chơi, vẽ tranh”.
Sau khi các em hoàn thành bức tranh khổng lồ, chị Thương sẽ dùng nó lợp trên mái căn nhà tre của ba chị để mọi người được nhìn ngắm và thưởng thức. Bên cạnh hoạt động vẽ tranh, chị còn huy động được hơn 1,6 triệu đồng từ sự đóng góp của các em cùng bậc phụ huynh để giúp đỡ thầy giáo Lâm Thành Bích (hiện ở TP.Hồ Chí Minh) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó nhằm khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong các em.
Chị Thương cho biết, được sinh ra và sống giữa núi rừng, nhưng đây là lần đầu các em có được những nguồn cảm hứng để thể hiện cảm nhận, ý thức về vẻ đẹp, giá trị của thiên nhiên, con người của vùng đất quê hương mình cũng như lần đầu định hình được khái niệm, kiến thức căn bản về bộ môn hội họa.
“Nhờ lợi thế về tâm hồn ngây thơ, trong sáng nên sự sáng tạo và khả năng hội họa của các em là không giới hạn. Tuy nhiên, vì ở vùng quê xa xôi, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần nên hầu hết các bạn còn thiếu tự tin, chưa định hình được ước mơ, hoài bão. Việc gợi mở, khuyến khích các em không thể một sớm một chiều mà cần sự chung tay, đồng hành của các bậc phụ huynh hay bất kỳ người nào có chung niềm đam mê và mong ước lan tỏa tinh thần nghệ thuật như tôi” – chị Thương chia sẻ.