Xây dựng thương hiệu OCOP
Hợp tác xã (HTX) Trầm hương Tiên Phước được thành lập vào năm 2017 từ một cơ sở trầm thô. Ông Trần Văn Dũng – Giám đốc HTX Trầm hương Tiên Phước chia sẻ: “Tham gia chương trình OCOP, nhận được nhiều sự hỗ trợ, HTX đã chế tác nên các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo từ trầm, làm vòng đeo tay, nhang trầm chất lượng cao… HTX đã xây dựng được thương hiệu riêng, liên kết thị trường mạnh hơn trong tiêu thụ sản phẩm”.
HTX Trầm hương Tiên Phước đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Năm 2020, vòng đeo tay từ trầm hương của HTX đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, và sản phẩm hương trầm là sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Lê Xuân Minh – quyền Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Kỳ cho biết, địa phương đã khuyến khích nhân dân phát triển mạnh các ngành tiểu thủ công nghiệp có nhiều lợi thế tại địa phương như chế biến nông – lâm sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mộc, chế biến thực phẩm, đồ uống, làm hương, chuối ép… hướng đến phát triển thành vệ tinh cho các cụm công nghiệp.
Ông Minh cho biết: “Thị trấn đã tranh thủ cơ chế đầu tư, khuyến khích đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn, chú trọng tập trung nâng cao số lượng, chất lượng, cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường cho một số sản phẩm. Đến nay nhiều sản phẩm đã được công nhận thương hiệu trên thị trường như các sản phẩm chế tác từ trầm hương của HTX Trầm hương Tiên Phước, rượu nếp của Tổ hợp tác Linh Hoạt, nước lòn bon lên men của HTX Phước Tuyên. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng từ nông sản, bánh, kẹo truyền thống, một số trái cây để đạt chuẩn OCOP như sầu riêng, măng cụt; hỗ trợ các chủ thể trong truyền thông, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm”.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa
Kinh tế vườn được thị trấn Tiên Kỳ xác định là nội dung mũi nhọn để đảm bảo tăng giá trị sản xuất nông nghiệp khi thực hiện Đề án 548 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 – 2025. Từ nguồn lực của Đề án 548, thị trấn đã vận động nhân dân nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả tại Hố Quờn ra toàn thôn Hữu Lâm, Phái Bắc, An Đông với tổng diện tích khoảng 12,5ha. Ngoài ra, nhân dân đã cải tạo, chỉnh trang 26ha vườn theo hướng xanh – sạch – đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại thôn An Đông, An Tây, An Trung. Hơn 10ha trồng keo đã được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả có giá trị như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh. Tại thôn Hữu Lâm, khu Gò Trảu cũng đang dần hình thành khu trồng cây ăn quả và chăn nuôi tập trung với diện tích khoảng 8,5ha.
Ông Minh cho hay, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đang được địa phương tích cực thực hiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Các tổ hợp tác, HTX được khuyến khích tham gia quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng phục vụ phát triển sản xuất. Qua đó, các ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn đến cuối năm 2019 còn 4,22% (93 hộ).