Bộ GD-ĐT cuối tuần qua họp với các địa phương trên cả nước để rà soát công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (diễn ra vào ngày 9 và 10.8). Vấn đề nhiều người quan tâm lúc này là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 sẽ tổ chức thi như thế nào?
Quảng Nam và Đà Nẵng kiến nghị dừng thi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, Quảng Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho kỳ thi song song với công tác phòng chống dịch Covid-19. Tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội tại 6 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến phức tạp nên tỉnh đề xuất với Bộ GD-ĐT 3 phương án.
“Một là, tỉnh sẽ tiếp tục chủ động rà soát, đến ngày 6.8 nếu dịch bệnh được kiểm soát cơ bản sẽ tiến hành tổ chức thi như các tỉnh khác; hiện nay trên địa bàn không có trường hợp F1 trong cán bộ, giáo viên, học sinh. Phương án 2, cho Quảng Nam thi sau một tháng, nếu dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, bằng đề thi dự bị của Bộ GD-ĐT. Phương án 3, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì xin không tổ chức thi mà xét đặc cách tốt nghiệp THPT” – ông Tân nói.
Băn khoăn hiện nay là nếu xét đặc cách tốt nghiệp THPT thì TS không có điểm thi để tham gia tuyển sinh đại học. Theo thầy Phan Văn Chương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc này không ảnh hưởng nhiều đến học sinh của trường vì rất nhiều em tham gia xét tuyển đại học bằng kết quả học tập. Tuy nhiên, với những em phải có điểm thi để xét tuyển đại học, chẳng hạn vào các trường đại học y dược, thì đây là vấn đề nan giải. “Chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường đại học có phương án để tuyển sinh số TS vì điều kiện dịch Covid-19 không thi nhằm đảm bảo quyền lợi, không bỏ sót TS giỏi” – thầy Chương nói.
Với TP.Đà Nẵng – địa phương đang là tâm dịch, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – Lê Trung Chinh đề nghị cho Đà Nẵng dừng thi. Theo lý giải của ông Chinh, Đà Nẵng đang có một số địa bàn bị phong tỏa, một số giáo viên, học sinh tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Tâm lý hiện nay rất hoang mang không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tổ chức kỳ thi.
“Phải đặt tính mạng lên trên hết. Đây là đề nghị rất khó khăn, nhưng Đà Nẵng vẫn đề nghị để Bộ GD-ĐT xem xét báo cáo Chính phủ xin dừng thi tại Đà Nẵng, cho xét đặc cách tốt nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các trường có phương án xét tuyển đại học, đảm bảo quyền lợi cho học sinh” – ông Chinh chia sẻ.
Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, mong các địa phương bình tĩnh, tiếp tục chuẩn bị những công việc còn lại của kỳ thi và tăng cường công tác phòng chống dịch. Ông đề nghị Quảng Nam, Đà Nẵng, các địa phương cùng với bộ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình để đề xuất phương án phù hợp, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Còn nhiều băn khoăn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhìn nhận, kỳ thi năm nay rất đặc biệt trong tình hình dịch bệnh nên một số vấn đề trước đây không có. Thời gian qua, các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã kiểm tra tại 46 địa phương cho thấy đến nay, về cơ bản công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Nhìn chung, công tác chuẩn bị đều chu đáo, an toàn cả chuyên môn kỳ thi lẫn sức khỏe thí sinh (TS) và người làm công tác thi.
Tuy nhiên, lãnh đạo 2 địa phương có số lượng TS dự thi đông nhất cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh vẫn bày tỏ băn khoăn khi tổ chức thi trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội – Ngô Văn Quý kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế có chỉ đạo cụ thể về phòng chống dịch, các giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho TS.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh – Dương Anh Đức cho biết 115 điểm thi đều có phòng thi dự phòng và có điểm thi dự phòng khi trường hợp số lượng TS diện F1, F2 lớn. Điều ông Đức lo lắng là hơn 600 giáo viên chấm thi tập trung sẽ không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ GD-ĐT tại Văn bản số 2832 (ngày 30.7) về phân loại TS, tổ chức thi phòng riêng. Nếu các địa phương bố trí thêm điểm thi riêng phải sớm báo cáo bộ để có phương án tổ chức, sao in đề thi. Lưu ý quan tâm đến việc TS đeo khẩu trang có thể xuất hiện tình trạng giấu thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Nếu TS đi thi trễ 5 – 10 phút trong điều kiện dịch bệnh cần linh hoạt giải quyết. Về phương án tổ chức thi cho TS diện F1, F2, sẽ có phương án thu bài riêng, bảo quản bài thi, sau đó tổ chức chấm thi riêng để đảm bảo phòng chống dịch.