Huyện Tiên Phước đang tập trung triển khai nhiều biện pháp, chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…
Nâng cao khả năng phòng chống
Tiên Cảnh có diện tích tự nhiên hơn 3.700ha, với địa hình nhiều sông, suối chia cắt, vào mùa mưa lũ trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra sạt lở đất, ngập lụt làm thiệt hại nhiều hoa màu. Đặc biệt, dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn (thôn 1), nơi có 40 hộ dân sinh sống đang bị sụt lún, rạn nứt có thể sạt lở gây nguy hiểm đến người và tài sản.
Ông Lê Trường Hiền – Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết, ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) với mục đích bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Trong đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Riêng đối với 40 hộ dân nằm dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn, địa phương lên sẵn phương án di dời đến nơi tránh trú an toàn khi có mưa lũ xảy ra. Tỉnh đã thống nhất chủ trương về việc đầu tư xây dựng điểm tái định cư Gò Má (thôn 1) để bố trí các hộ dân chuyển sang sinh sống. Bước đầu huyện hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng giúp xã thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt với diện tích khoảng 1,5ha.
Theo ông Hiền, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, hội, đoàn thể, cá nhân phụ trách ở từng địa bàn thôn, khu dân cư. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo giúp người dân cập nhật tình hình thời tiết trên địa bàn để chủ động trong đời sống và sản xuất… “Hai đội xung kích Ban Chỉ huy Quân sự xã và Hội Chữ thập đỏ phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ chức trực ban 24/24 giờ trong những ngày có diễn biến thời tiết phức tạp, hướng dẫn nhân dân đối phó kịp thời” – ông Lê Trường Hiền nói.
Chủ động ứng phó
Theo thống kê, năm 2019 thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện Tiên Phước đã làm thiệt hại về diện tích cây hoa màu, cây nguyên liệu, cây ăn quả ước trị giá hơn 9,5 tỷ đồng. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) cùng với nhân dân khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Để chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm nay, huyện xây dựng kế hoạch, phương án, lập danh sách lực lượng nòng cốt, bổ sung trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tổ chức kiểm tra thực địa tại các điểm có nguy cơ sạt lở đất, công trình hồ đập trọng yếu, đưa ra phương án xử lý kịp thời, tránh thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Huyện đã tổ chức di dời xen ghép 11/33 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt đến nơi ở mới, với kinh phí hỗ trợ 550 triệu đồng; phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Chi cục Thủy lợi tỉnh tổ chức tập huấn về PCTT cho người dân và học sinh tại các xã nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.
Ông Mai Minh Nguyệt – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, phòng đã tham mưu UBND huyện về kế hoạch chỉ đạo PCTT&TKCN, chủ động phân công cán bộ chủ chốt đứng điểm tại các địa phương, thường xuyên đi cơ sở đôn đốc các địa phương, đơn vị kiểm tra an toàn công trình hồ đập, hệ thống giao thông, hạ tầng trước, trong và sau bão lụt. Yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm phương án PCTT với phương châm “4 tại chỗ”. Hiện 16 đội xung kích trên địa bàn huyện với 450 thành viên đã sẵn sàng tâm thế.
“Chúng tôi yêu cầu các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, ngập lụt tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện chặt chẽ phương án di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn khi có mưa lũ; đồng thời chuẩn bị vật tư dự phòng, phương tiện, dụng cụ để ứng phó. Theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai” – ông Nguyệt cho hay.